Nghị luận về Văn học và tình thương
Văn chương từ trước đến nay luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người, thông qua các tác phẩm chúng ta hiểu được các câu chuyện, góc nhìn về cuộc sống từ đó giúp chúng ta thay đổi cách tư duy. Từ bao đời nay, chúng ta luôn phát huy truyền thống thương người như thể thương thân và trong văn học tình yêu thương giống như cốt lỗi của các tác phẩm, tình yêu thương là sợi dây liên kết giữa con người với con người.
Nói một cách dễ hiểu Văn học là một hình thức nghệ thuật thông qua ngôn từ chữa lành, giúp con người thay đổi nhận thức, tư duy. Những tác phẩm Văn học luôn có chiều sâu, mang giá trị tư tưởng về tình người, sự đồng cảm giữa con người và con người. Tình yêu thương luôn là chìa khóa mở rộng trái tim của chúng ta. Tình thương sẽ được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau đó có thể là sự đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn, là sự thương xót cho một ai đó khi gặp phải khó khăn trong cuộc sống. Văn học sẽ đề cao, ca ngợi cái đẹp, cái tốt và phê phán, lên án cái xấu xa, ích kỷ của con người. Giữa văn học và tình thương luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Thạch Lam từng nhận định rằng: “Dối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn.”
Tình thương là đức tính của con người, được xuất phát từ con người. Đó là những suy nghĩ, hành động yêu thương với người khác. Tình thương giúp chúng ta gắn kết với nhau nhiều hơn nữa, khiến cho chúng ta không còn rào cản hay bất cứ khoảnh cách nào với nhau. Từ bao đời nay, dân tộc Việt Nam ta có truyền thống tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách”. Những tinh thần, nghĩa cử cao đẹp cần được nhân rộng và đề cao để thế hệ trẻ học hỏi và phát huy.
Trong tác phẩm “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng có nhân vật Tám Bính là một cô gái thôn quê thật thà, chân chất thế nhưng khi trải qua hàng loạt biến cố cuộc đời Bính lột xác trở thành chị đại hành nghề bỉ vỏ khét tiếng trong xã hội lúc bấy giờ. Trên trang sách những hành động của Bính không thể chấp nhận, thế nhưng bên trong nội tâm của nhân vật Nguyên Hồng luôn hướng đến sự thiện lương. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa Bính vẫn luôn khao khát được sống lương thiện.
Một tác phẩm khác, Bước đường cùng của nhà văn Nguyễn Công Hoan kể về anh nông dân nghèo tên Pha, cuộc đời của anh Pha đầy cay đắng khi bị đẩy vào hoàn cảnh khốn khổ. Nguyễn Công Hoan đã thẳng thắn vạch ra tội ác của giới cầm quyền đã đẩy người nông dân nghèo khổ vào đường cùng. Biết anh Pha là nông dân, không có cơ hội học hành nhiều nên tên hoạn quan Nghị Lại đã dụ dỗ vợ chồng anh Pha vay tiền của mình, sau đó không cho dân trả tiền sớm, hắn đợi đến khi tiền lãi tăng cao mới bắt đầu đòi nợ dân. Tác phẩm không chỉ vạch mặt, tố cáo tội ác của những tên quan giả tạo, luôn tìm cách moi tiền của dân mà còn là tiếng kêu xé lòng của người nông dân nghèo.
Bên cạnh việc đề cao, ca ngợi sự tốt đẹp mà bên cạnh đó Văn học còn lên án phê phán những góc khuất, mặt tối của xã hội. Tiêu biểu có đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia trong tác phẩm Số đỏ, cái chết của cụ cố Hồng mang lại niềm vui cho các thành viên trong gia đình. Một xã hội bị đồng tiền làm mờ con mắt, có thể vì đồng tiền bất chấp tất cả dù đó là mạng sống, là người thân của mình. Vũ Trọng Phụng đã chỉ ra bộ mặt giả tạo của con người vì để sống trong sự giàu sang mà đánh đổi mọi thứ đó là lòng tự trọng và đạo đức của mình.
Văn học không chỉ viết về tình thương, ngợi ca cái tốt đẹp trong xã hội mà Văn học còn mang lại cho người đọc nhiều suy ngẫm để chúng ta có thể tự hoàn thiện bản thân.Văn học còn khơi dậy lòng thương người của chúng ta. Có ai từng đọc tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố mà không xót thương trước số phận bi đát của chị Dậu, có ai từng chưa rơi nước mắt khi đọc tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao và biết đến hành trình tha hóa của Chí vì bị xã hội phong kiến dồn vào đường cùng.
Lép Tôn x-tôi khi nói về Văn học ông đã viết: “Một tác phẩm nghệ thuật phải là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng bác ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại.”
Văn học luôn thôi thúc con người ta sống hướng thiện, gửi đến người đọc những thông điệp để chúng ta thêm hiểu về cuộc sống về giá trị của bản thân. Văn học gửi gắm thông điệp truyền tải tình yêu thương đến mỗi người. Cuộc sống bên ngoài kia có quá nhiều bất công, mệt mỏi và áp lực vậy thì hãy để Văn học sưởi ấm trái tim của chúng ta như cái cách mà O-hen-ri đã gửi bức thông điệp tích cực trong tác phẩm Chiếc lá cuối cùng, dù chúng ta có ở trong hoàn cảnh tiêu cực, đau khổ như thế nào chỉ cần bạn có niềm tin mọi thứ sẽ trở nên tích cực và tốt đẹp hơn. Nhân vật Giôn – xi trong truyện đã có động lực, tin tưởng vào sự sống nhờ bức tranh vẽ chiếc lá cuối cùng của người họa sĩ già với tất cả tình yêu thương của ông dành cho cô gái.
Văn học và tình thương có mối quan hệ mật thiết với nhau, không chỉ mang đến cho người đọc những cảm xúc chân thật nhất về cuộc sống mà các tác phẩm còn hướng con người đến những giá trị tốt đẹp. Dù chúng ta sống trong thời đại số hay bất cứ thời đại nào thì Văn học luôn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người.
Leave a Comment